Người cổ xưa thấy trăng luân chuyển trong vòng 29 ngày, khi tròn khi khuyết, nhưng rất đều đặn và lấy đó làm đơn vị chính để đo thời gian. Cuốn lịch cổ nhất của loài người tính theo tuần trăng là âm lịch Babilon (Trung Đông) sáng chế cách đây 7 – 8 nghìn năm.
Lịch cổ Hy Lạp, Trung Quốc cũng là âm lịch, mỗi năm có 354 hoặc 355 ngày.
Nhưng nếu số ngày trong mỗi năm chỉ có thế thôi thì chỉ năm trước năm sau là thời tiết không đúng với lịch nữa. Qua 3 năm thời tiết chênh lệch với lịch hàng tháng, qua 6 – 7 năm thì lịch là mùa hè mà trời vẫn đang xuân.
Qua vài trăm năm liên tục nghiên cứu những sai lệch ấy, các nhà thiên văn xưa mới tìm được cách làm cho âm lịch tương đối khớp với thời tiết: trong 3 năm phải có 1 năm thêm 1 tháng (năm nhuận), 5 năm có 2 năm nhuận, 19 năm có 7 năm nhuận. Gọi là âm lịch, thực ra lịch này không còn hoàn toàn là âm lịch nữa, mà đã phối hợp âm lịch với dương lịch, vì tháng thì tính theo trăng, còn năm thì bám theo thời tiết, mà thời tiết thay đổi từng mùa xuân, hạ, thu, đông nối nhau là do quả đất vận chuyển quanh mặt trời.
Lịch của người theo Hồi giáo thuần túy là âm lịch: Cứ theo tuần trăng mà tính một năm 12 tháng, trọn năm 354 ngày.
Người Ai Cập sáng chế ra dương lịch từ cách đây hơn 6000 năm. Bấy giờ, người ta tính năm theo chu kỳ nước lũ của con sông Nin, con sông quyết định vận mệnh của nhân dân Ai Cập. Nhưng những người làm lịch chỉ tính mỗi năm có 365 ngày; thực ra năm dương lịch là 365 ngày và 2,422/10.000 giây (tức là gần 1 phần 4 ngày). Cho nên, theo lịch này thì cứ 4 năm thiếu mất một ngày: qua 1000 năm, lịch và thời tiết sai nhau 250 ngày: qua một chu kỳ 1460 năm, lịch và thời tiết mới gặp nhau, rồi lại dần dần sai lệch mãi cho đến hết chu kỳ khác. Mãi đến năm 240 trước Công nguyên người ta mới sửa lại lịch, cứ 4 năm có một năm nhuận 366 ngày (thêm một ngày).
Người La Mã làm dương lịch từ cách đây hơn 5000 năm, buổi đầu cũng giống lịch Ai Cập, mỗi năm 365 ngày.
Năm 46 trước Công nguyên, hoàng đế La Mã là Giuyn Xê-da nhờ nhà thiên văn Hy Lạp Xi-xô-gien nghiên cứu sửa đổi lịch. Xi-xô- gien quy định mỗi năm 12 tháng, gồm 7 tháng 31 ngày, 4 tháng 30 ngày, riêng tháng 2 có 28 ngày, cộng lạí là 365 ngày và cứ 4 năm thì có 1 năm nhuận, tháng hai 29 ngày. Lịch này gọi là lịch Xê-da.
Nhưng rồi người ta lại phát hiện ra cái sai khá to của lịch Xê-da. Bởi vì, trung bình mỗi năm lịch Xê-da so với thời gian quả đất đi một vòng quanh mặt trời thì dài hơn 78/10.000 ngày, tức là 11 phút 14 giây. Qua 100 năm chỉ thừa 3/4 ngày. Ấy thế mà đến năm 1582, người ta phải sửa đổi lịch này và quyết định rút bớt đi 10 ngày cho hợp với thời tiết.
Người đứng đầu việc sửa đổi lịch Xê-da là Giáo hoàng Gơ-rê-goa 13. Một hội đồng các nhà bác học đã nghiên cứu sửa lịch Xê-da như sau: Cứ 4 năm có một năm nhuận nhưng trong 400 năm thì phải bớt đi 3 năm nhuận. Lịch sửa đổi gọi là lịch Gơ-rê-goa. Từ khi lịch này ra đời (1582) đến nay đã bỏ 3 năm nhuận: 1700, 1800, 1900. Đó là những năm mà hai con số sau cùng là 00, nhưng hai con số đầu (17, 18, 19) thì không chia hết cho 4. Như vậy trong vòng 400 năm tới thì năm 2000 là năm nhuận còn ba năm 2100, 2200, 2300 không nhuận. Hiện nay hầu hết các nước trên thế giới dùng lịch Gơ-rê-goa.
La Mã và Tây Ban Nha dùng lịch Gơ-rê-goa trước tiên.
Nước Nga dùng lịch cũ đến năm 1918 chính quyển Xô viết mới quyết định dùng lịch Gơ-rê-goa, cùng chung một quyển lịch với đại đa số nhân dân thế giới.
Lịch Gơ-rê-goa chúng ta đang dùng cũng còn một tí sai lệch. So với 100 lần trái đất đi vòng quanh mặt trời thì 100 năm lịch thừa mất 3/100 ngày. Có nghĩa là 100 thế kỷ tới sẽ sai lệch 3 ngày, phải sửa lại.
Ngay bây giờ đã có nhiều nhà khoa học thế giới nêu vấn đề bỏ lịch Gơ-rê-goa mà thay bằng một thứ lịch mới, gồm các tháng, các quý có số ngày làm việc, ngày nghỉ đều nhau.