Con Người Đất Việt
Quang cao giua trang

[HEADER]

Trang chủ » Soi gương »

Thứ sáu - 19/06/2020 19:27

Đọc sách

Có lần một người hỏi lão sư Kapleau trong buổi trò chuyện với ngài:
– Có vài điểm liên quan đến việc đọc làm tôi bối rối:
Lão sư ám chỉ rằng nên bỏ đọc, vì nó nuôi dưỡng những khái niệm và ý nghĩ tản mạn. Tôi đã đọc và biết rằng thời xưa có nhiều thiền tăng học giả, hiển nhiên họ đã đọc rất nhiều. Tôi đang học để trở thành một bác sĩ chữa bệnh tâm thần, tôi không có quyền lựa chọn mà phải đọc rất nhiều, không chỉ trong lãnh vực riêng của tôi mà cả những lãnh vực liên quan, nhưng nếu đọc có hại cho việc tọa thiền mà tôi phải bỏ đọc tất cả các thứ, kể cả các nhật báo kỹ thuật, làm sao tôi phát triển và có thể giúp đỡ bệnh nhân tốt hơn?
Lão sư:
– Những gì tôi muốn nói là phải bỏ cái đọc không phân biệt, không phải toàn bộ việc đọc. Những sinh viên như anh và các nhà chuyên môn cần đọc và nghiên cứu; nên xem những hoạt động này như là một phần của tọa thiền. Ngồi đều đặn, bằng cách tăng thêm sức mạnh chú tâm, làm tâm và tình cảm yên tĩnh, sẽ khiến cho anh có thể nghiên cứu tốt hơn cũng như giữ lại được những gì anh đã học.
Người ấy hỏi tiếp:
– Lão sư định nghĩa đọc không phân biệt như thế nào?
Lão sư:
– Đọc không phân biệt là đọc không điều độ các báo, tạp chí, tiểu thuyết và những vấn đề không thiết yếu hay không liên hệ gì với việc làm hay nghiên cứu của anh.
Anh đã từng nhìn những người ở trạm xe buýt, ở phi trường hay trên máy bay chưa? Rất thường khi, nếu là họ một mình ở đó, ngay khi họ vừa ngồi xuống là có báo, tạp chí hay sách đến liền. Rất ít người có thể thiền định hay chỉ ngồi im lặng. Đọc tiêu thụ năng lực, trong khi tọa thiền bảo tồn và qui tụ nó. Nếu trong khi tọa thiền anh có thể đặt trọng tâm của anh ở chỗ ngay dưới rốn độ một bàn tay, là anh thiết lập được cái giếng năng lực ở đó, nó sẽ nuôi dưỡng toàn thể con người anh. Anh có thể so sánh quá trình này với quá trình của một cái máy phát điện tiếp điện năng cho một cục pin.
Thầy tôi thường bảo các môn sinh rằng càng ít đọc sách về triết học hay về thiền họ càng ngộ nhanh hơn. Tại sao như vậy? Bởi vì ông biết rằng cái đọc này đặc biệt làm tâm bế tắc vì những khái niệm và quan niệm dính chặt. Lão sư Harada, là một cựu giáo sư đại học, có lần nói rằng kinh nghiệm ngộ của Tổ sư Huệ Năng khi nghe một ông tăng hành cước tụng kinh Kim Cang có thể cho là Tổ không biết chữ nên tâm của Tổ không có những suy lý giải đãi do đọc và nghiên cứu nuôi dưỡng.
Đọc quá độ bất cứ loại nào, giống như những liều thuốc quá độ, làm tâm nặng gánh và thui chột khả năng suy nghĩ sáng tạo của nó. Đọc không phân biệt cũng có thể nuôi dưỡng lòng tham những sự kiện vô ích và tâm kiêu hãnh vì sở hữu chúng, những phẩm chất không dẫn đến tiến bộ tâm linh. Trí tuệ chơn chánh, cuối cùng, bao gồm khả năng đọc những kinh sách không văn tự. Triết gia Đức Nietzshe viết rằng khi mắt ông trở nên tệ quá đến nỗi ông không thể đọc được nữa, cuối cùng ông bắt đầu đọc chính mình.
Đọc và tọa thiền không bổ túc cho nhau. Kéo dài sự đọc, nhất là các sự kiện và lý thuyết làm óc mệt và thân suy nhược, làm tê liệt lòng ham muốn tọa thiền. Mặt khác, sau khi tọa thiền, tâm sẽ cảm thấy sạch sẽ và minh mẫn đến độ anh không muốn nó bị che mờ bởi đọc bất cứ cái gì.
– Nhưng tôi nghĩ rằng đọc lời các sư nói sẽ hứng khởi và đọc đạo lý Phật giáo cũng bổ ích?
Lão sư:
– Nếu anh làm việc gần gũi với một bậc thầy, anh có thể từ chính sự thiền tọa mà suy ra đạo lý. Tâm càng tự do với các sự kiện và lý thuyết, nó càng thanh tịnh đón nhận lời dạy và càng tiến bộ nhanh hơn. Tuy nhiên sau khi ngộ, đọc kinh và lời các sư nói có thể rất hữu ích. Những gì vừa nói áp dụng cho những người gần gũi với một vị đạo sư. Nếu không có đạo sư kế bên, thì tốt nhất là đọc những gì tăng thêm sức mạnh cho niềm tin và xác tín. Dù có thầy hay không, anh cũng cần khám phá cái nệm ngồi thiền và biết làm cách nào tự mình giữ kỷ luật. Một khi anh tin quyết rằng cần kỷ luật tinh thần và tu luyện.
Ông ta hỏi lão sư:
– Khi muốn sống cuộc đời đạo hạnh, loại sách nào đọc tốt nhất?
Lão sư:
– Nhà bình luận Emerson nói: "Cuốn sách đó hay, nó đưa tôi vào tâm thái làm việc".  Nếu anh muốn nhận ra Chân tánh mình, không phải chỉ suy lý về nó thì cuốn sách đó hay, nó có chiếc vòng chân lý sâu khám phá qua kinh nghiệm cá nhân. Cuốn sách hay kích động trái tim, đốt lửa trí tưởng tượng và đưa đến quyết tâm không để bất cứ cái gì cản trở trên đường đến giác ngộ viên mãn. Tóm lại, nó phải lôi anh ra khỏi ghế êm, đặt anh lên cái nệm ngồi thiền.
Rồi hỏi:
– Lão sư có sách gì đặc biệt giới thiệu?
Lão sư:
– Có những cuốn sách (1) mà tôi tìm thấy hứng khởi và sự chỉ dạy. Đừng nghĩ rằng anh cần phải đọc một trong những sách giới thiệu, hay bất cứ cuốn nào trong những quyển đó. Ngay cả những cuốn anh đọc, tùy theo nguyện vọng và mức phát triển tâm linh, một vài cuốn chỉ nếm ở đầu lưỡi cũng đủ, những cuốn khác chỉ cần trệu trạo, một vài cuốn phải nhấm sâu và nuốt lấy một cách thích thú như một người đã nhiều ngày không ăn. Mỗi cuốn trong những sách này, hãy để tôi nhấn mạnh, mang một nhãn hiệu cảnh cáo: Có thể tạo thành thói quen. Nguy hiểm khi uống quá liều lượng.
 ___________

   (1) Bảng liệt kê một số sách: Tự truyện của Thiền sư Hư Vân, Đại thừa khởi tín luận của Mã Minh Đại sư, Bích Nham Lục của thiền sư Viên Ngộ, thiền luận cuả Suzuki, Vô Môn Quan cuả thiền sư Huệ khai, Lâm Tế Lục của thiền sư Nghĩa Huyền, v.v..

 

Liên kết website


THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nayHôm nay : 1572

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15914

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3035248

//