Con Người Đất Việt
Quang cao giua trang

[HEADER]

Trang chủ » Soi gương »

Chủ nhật - 07/06/2020 16:02

Làm người

 Một hôm Khổng Phu Tử nói ra câu:
– Hành tương tựu mộc tác nhân nan (Người ta thường sắp chui vào quan tài rồi, mới biết làm người là một việc khó).
Ai cũng cho rằng Ngài nói vậy là hơi bi quan…Làm người mà khó đến như thế, thì chẳng lẽ cuộc đời này toàn khỉ hết hay sao? Rằng cứ theo cái thuyết chữ ‘Nhân’ của Ngài, thì miễn sao sống cho tử tế, có hiếu với bố mẹ, ông bà, không trộm cắp, lừa đảo, hại ngầm ai là thành người được rồi, chứ có gì ghê gớm mà Ngài phải kêu khó!?
Khổng Tử bèn thuyết liền một hồi:
– Làm người trước tiên cần phải biết phân biệt vì nó đâu đơn giản. Kẻ không biết phân biệt có ba việc mù mờ: Thứ nhất, ăn không biết thế nào là ngon, uống chẳng biết thế nào là dở, như thế gọi là ‘thực bất tri kì vị’. Thứ hai, nói không biết nên nói với ai, nghe chẳng biết nên nghe ai nói, như thế gọi là ‘xử bất tri kì nhân’. Thứ ba, đi không biết nên đi theo đường nào, ngồi chẳng biết nên ngồi chỗ nào, như thế gọi là ‘hành bất tri kì đạo’.
Huống chi nhiều người chỉ biết nghe theo một chiều, hiểu theo một chiều, tin theo một chiều. Ngu dốt đến tận cùng như thế, thì làm sao có thể tự hiểu được mình. Kẻ không hiểu được mình thì đứng không biết mình đang đứng chỗ nào, đi chẳng biết mình sẽ đến đâu, thế rồi tự cao tự đại, thế rồi vỗ ngực xưng danh tự cho là mình khôn nhất thiên hạ. Lời nói hay chẳng bao giờ lọt vào tai. Kiến thức như thế thì dẫu cao mấy, thực chất cũng chẳng khác gì kiến thức của một anh hoạn lợn. Không những tự gây họa cho mình, mà còn gây họa cho người khác. Có khi gây họa cho cả thiên hạ chưa biết chừng.
Các trò nghe đến đó thì sợ toát mồ hôi. Bèn hỏi:
– Thế nào là tự gây họa cho mình?
Khổng Tử bảo:
– Người ta vạch ra cái chỗ dở của mình để mong mình sửa, thì lại tưởng là người ta chửi. Người ta nịnh cái chỗ đểu của mình để hòng kiếm chác, thì lại tưởng là người ta khen. Rốt cuộc người đáng lẽ là bạn, thì lại nghĩ là thù. Kẻ đáng lẽ là thù, thì lại cho là bạn. Lẫn lộn, u tối đến như thế mà không gặp họa mới là lạ.
Các trò lại hỏi:
– Thế nào là gây họa cho thiên hạ?
Khổng Tử bảo:
– Hạng người ấy mà làm tướng thì mất thành. Làm quan phủ, quan huyện nào thì dân trong phủ, huyện ấy điêu đứng. Làm vua thì cả nước khốn nạn. Làm thầy thì ngu đến cả trăm đời sau. Thế gọi là gây họa cho thiên hạ.
Các học trò hỏi tiếp:
– Vậy cứ theo ý Phu Tử thì bao giờ các trò mới có thể học thành người?
Khổng tử trả lời:
– Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lẽ đời (nhi bất hoặc – hết ngờ vực), song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời (tri thiên mệnh – biết mạng trời).
Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời, song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người (nhi nhĩ thuận – nghe thuận tai).
Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người, song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình (tòng tâm kì dục, bất du củ – tùy lòng muốn mà vẫn không thay đổi quy củ).
Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình, song không thể dạy các ngươi khiến được lòng mình (lạc dĩ vong ưu – vui (theo đạo lý) mà quên hết buồn phiền).
Ta có thể dạy các ngươi khiến được lòng mình, song không thể dạy các ngươi (thấu suốt đạo lý) đến nỗi quên đi cả sự tồn tại của mình (bất tri lão chi tương chí – không hề biết tuổi già của mình sắp đến)...
Xem thế thì biết cái sự học làm người kia là không biết đến bao giờ cùng!

 

Liên kết website


THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nayHôm nay : 35

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 42943

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2970844

//