Chủ nhật - 06/02/2022 14:26
Cây nêu ngày Tết
Dựng cây nêu là một phong tục cổ truyền trong ngày Tết của một số dân tộc Việt. Người ta cho rằng cây nêu được dựng lên với mong muốn xua đuổi hết tà ma vào ngày Tết, bóng của cây nêu lan tỏa đến đâu thì đấy là đất lành khiến lũ quỷ lùi dần.
Tùy vào phong tục mà mỗi nơi sẽ thực hiện khác nhau một chút, nhưng cơ bản là cây nêu phải được làm bằng cây tre, thân cây được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió... Trên ngọn nêu buộc nhiều đồ vật như túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, vàng mã hay những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán tròn bằng tre nứa dán giấy đỏ, lông gà, lá dứa, cành đa... Có nơi trên bùa đào ngoài việc ghi tên vị thần, còn treo câu đối Tết như ‘Tân niên nạp dư khánh/Gia tiết hiệu trường xuân (Năm mới thừa chuyện vui/Tiết đẹp xuân còn mãi)’. Những vật treo này được cho là có tác dụng trừ tà ma, bảo vệ và mang đến bình an cho con người.
Có câu ca dao về cây nêu như sau:
Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà
Quỷ vào thì Quỷ lại ra
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm
Lễ thưởng tiêu - dựng cây nêu đón Tết bắt đầu ngày 23 âm lịch (ngày đưa ông Táo về Trời) hạ nêu vào ngày mùng 7 Tết.
Ngày nay, cây nêu hiếm dần, người ta ưa bày trong nhà những cây cảnh, đào, mai. Dần dà, cây nêu chỉ còn thấp thoáng ở các vùng quê và trong hình minh họa của các cuốn sách. Mặc dù thế, cứ nhắc đến Tết người ta lại nhắc đến cây nêu.
Tống cựu nghinh tân,
Dựng nêu (gợi), vẹn ‘cát tường’ mong!?
Hạ nêu diễn ý an khang khánh thọ!?