Con Người Đất Việt
Quang cao giua trang

[HEADER]

Trang chủ » Góc tri thức »

Thứ tư - 14/11/2018 15:44

Tầm sư học nghề

Hoa Đà (145 – 208), biểu tự Nguyên Hóa, là một thầy thuốc nổi tiếng thời cuối Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử. Ông được tôn xưng như một Thần y không chỉ ở Trung Quốc mà trong các nước đồng văn hóa như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng được xem là một trong những ông tổ của ngành y học cổ truyền. Ông cùng Đổng Phụng và Trương Trọng Cảnh được xưng tụng là Kiến An tam Thần y; cùng với Biển Thước, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được xem là bốn vị đại danh y.
Chuyện rằng, truyền nhân của danh y là một thầy lang già, người này tính tình rất kỳ quái, không giống mọi người. Thời đó, người muốn bái sư học nghề đều bị sai việc như nô bộc từ giặt quần áo, nấu cơm, quét dọn, thậm chí phải dọn nhà xí, đổ nước tiểu và các công việc cực nhọc khác, nhưng thầy của Hoa Đà lại dán một câu đối trước thư phòng: 
                        Không đổ nước tiểu, xem nước xuyên đá ngộ bí quyết
                        Không giặt quần áo, xem bệnh như cha học công phu
Người nào đến bái sư, trước tiên phải đến cửa thư phòng khảo câu đối. Ngày hôm đó, lão lang trung như thường lệ đưa trò tới cửa phòng xem câu đối, rồi hỏi:
– Hoa Đà, trò đã ghi nhớ câu đối này chưa?
Hoa Đà trả lời:
– Con nhớ rồi.
Lão lang trung lại hỏi:
– Trò có biết ý nghĩa là gì không?
Hoa Đà đáp:
– Dạ thưa thầy, con không hiểu, nhưng sẽ từ từ học.
Lão lang trung mỉm cười gật gật đầu tỏ vẻ hài lòng và đáp:
– Tốt.
Ông đưa Hoa Đà đến hậu viên, chỉ vào hòn đá xanh dưới mái hiên có nước chảy và nói:
– Khi nào, nước chảy đá mòn, trò sẽ học được nghề.
Ngày hôm sau, thầy ông bắt đầu mở cửa khám bệnh. Một ngày chỉ giới hạn khám cho năm người, yêu cầu Hoa Đà ghi chép chi tiết lại tất cả các ca bệnh. Cứ coi xong cho một người, ông lại hỏi:
– Trò có sợ phiền phức, cực khổ không?
Hoa Đà trả lời:
– Dạ con không sợ.
Ăn cơm tối xong, vị thầy lang lại gọi ông đến nói:
– Hoa Đà, trò hãy đối chiếu bệnh tình của năm người bệnh hôm nay với sách y học, xem ta bốc thuốc có sai sót chỗ nào không.
Ông cặm cụi ngồi đối chiếu từng bệnh án với các sách y học, thức đến canh hai mới xong, thuốc bốc cho năm bệnh nhân về cơ bản không sai khác gì. Xong việc, ông vươn thân mình nhức mỏi một cái, ngáp dài, cảm thấy mệt nhọc nên đã cởi áo lên giường.
Vừa nằm lên giường, lại nghe tiếng thầy tới gõ cửa và nói:
– Hoa Đà, ta đến truyền nghề cho trò.
Mặc dù mệt nhưng ông vẫn nghiêm chỉnh hành lễ và ngồi dậy lắng nghe chăm chú. Dạy xong, thầy ông quay qua nói:
– Sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân. Trò hãy tự đọc sách và lĩnh hội tiếp đi.
Lão lang trung nói xong thong thả bước ra ngoài, còn vừa đi vừa cao hứng đọc thêm vài câu: "Canh ba ngọn đèn dầu, canh năm gà gáy, chính là lúc nam tử dụng công…"
Hoa Đà nghe được câu thơ chỉ còn biết lắc đầu thở dài nghĩ: "Quả là một người thầy nghiêm khắc, cái này còn mệt hơn cả giặt quần áo, đổ nước tiểu", rồi lại chăm chỉ ngồi đọc sách.
Ngày nọ, có một sản phụ khó sinh nên đã mời lão lang trung tới thăm khám. Với khả năng tài giỏi của thầy ông, đứa trẻ rất nhanh đã được sinh ra, nhưng lúc ra đời lại không khóc được. Lão lang trung bảo Hoa Đà:
– Đây là do nước ối bị ứ.
Không đợi thầy nói hết câu, Hoa Đà liền cúi người dùng miệng mút nước ối trong miệng thai nhi ra và đứa bé khóc "oa" một tiếng. Cả nhà sản phụ mừng rỡ, hết lòng hậu đãi hai thầy trò.
Về đến cửa thư phòng, thầy ông chỉ vào đôi câu đối và quay sang nói với ông:
–  Hôm nay trò đã lĩnh hội được câu đối này chưa?
Hoa Đà nhìn lão lang trung, khẩn khoản đáp:
– Dạ thưa thầy, con lĩnh hội chút ít nhưng vẫn chưa được sâu.
Vị lang trung mỉm cười nói:
– Ngươi nói rất đúng, sự học là không có điểm dừng. Từ khi ta mới bắt đầu hành nghề, thì đã tuân thủ hai điều: Một là đọc thông thuộc nhiều sách y; hai là đối với bệnh nhân không coi như thân nhân, mà hơn cả thân nhân. Hôm nay trò đã có đủ cả hai điều này và có thể đi được rồi. Người xưa có câu: "Chỉ có học trò thi đỗ trạng nguyên, không có thầy đỗ trạng nguyên", ta tin tưởng trong tương lai trò sẽ thăng tiến.
Hoa Đà ghi nhớ lời của thầy, rời đi trong lưu luyến và sau này trở thành Thần Y.
 
 

 

Liên kết website


THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nayHôm nay : 1834

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16176

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3035510

//