Con Người Đất Việt
Quang cao giua trang

[HEADER]

Trang chủ » Soi gương »

Thứ năm - 15/02/2018 14:55

Kể chuyện năm Tuất

Chó sủa chó kh​ông cắn
Ở Việt Nam, nơi thôn quê, làng mạc người ta quen với tiếng gà gáy, chó sủa rộn ràng từ làng trên xóm dưới. Nhân mùa Xuân, xin có đôi dòng phiếm luận cốt chia xẻ tấc lòng cùng mọi người.
Tiếng chó sủa có mang ý nghiã gì không? Thông thường người ta lầm tưởng chó sủa là nó có ý dọa nạt cảnh cáo mình, đừng xâm phạm lãnh thổ của nó. Thật ra đó chỉ là tiếng báo động là có người tới gần, bất kể quen hay lạ, vì nhiều khi thấy chủ về, chó cũng sủa vang. Đến gần hơn, nếu chó nhận ra đó là người quen, thì nó chào mừng, nếu người lạ nó tiếp tục sủa, và có khi cả đàn xông ra vây lấy khách, kiểu "chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng". Thông thường chó chỉ to mồm vậy thôi, chờ chủ nhà ra nhận khách là xong. Do đó mới có câu "chó sủa chó không cắn", cũng như loài người có hạng người huênh hoang kiểu "thùng rỗng kêu to".
Ở với loài người lâu, chó cũng tiêm nhiễm thói hư tật xấu của chủ, biết nể mặt khách sang trọng giầu có, khinh khi kẻ bần hàn, đói rách, ăn mày, ăn xin, nhất là chó nhà giầu; thấy kẻ nghèo khó là nó sấn sổ nhào tới, kiểu "chó cắn áo rách". Trái lại, loại chó lầm lì không mở miệng để hù, mà để cắn thật tình mới đáng sợ. Loại nầy được đặc biệt huấn luyện để tấn công, canh giữ nhà cửa, kho hàng; phối hợp với chủ thi hành công tác cảnh sát, quân sự. Nó yên lặng phóng tới tấn công kẻ địch một cách bất ngờ. Vì được huấn luyện thuần thục nên người thường khó mà địch nổi loại chó này.
Chó sói là tổ tiên của chó nhà. Hàng chục ngàn năm nay, chó sói được loài người thuần hóa thành súc vật nuôi trong nhà. Có điều khác, chó sói không sủa, chỉ biết hú. Những đêm trăng mờ mờ, núi rừng tịch mịch, không khí trong vắt, vẳng nghe tiếng sói hú, kéo dài da diết, vừa thê lương, vừa rùng rợn, khiến người yếu bóng vía phải rùng mình. Các loài vật trong rừng sâu, đang say ngủ cũng nháo nhác giật mình thức giấc, tựa như nghe tiếng gọi của tử thần. Con này hú, con nọ tiếp theo, liên miên không dứt, tựa như một bản hòa tấu ma quái của rừng thiêng.
Lâu lâu vào những đêm trăng sáng, chó nhà cũng tụ họp giỡn trăng. Kích thích bởi tác dụng kỳ bí của ánh trăng, chó cất tiếng tru, mà người ta bảo là chó hú ma, cho đó là điềm xui xẻo. Người dân quê còn tin tưởng những đêm khuya thanh vắng, loài chó trắng có thể biến thành ma, đứng thẳng trên 2 chân sau, đầu đội nón, mình khoác áo tơi, tay chống gậy như ông cụ già đi dạo chơi.
 
Chó vẫy đuôi
Tại sao chó vẫy đuôi? Loài người gặp nhau, nếu quen biết thì hay tay mặt mừng, chào hỏi tíu tít. Chó cũng vậy, nó vẫy đuôi để diễn tả. Khi còn nhỏ, chó con chưa biết vẫy đuôi. Được độ 30 ngày, khoảng 50% chó con biết vẫy đuôi. Đến 60 ngày là thành thạo. Bản tính  loài vật vốn thô sơ chân thật không biết mầu mè kiểu cách. Mừng thì vẫy đuôi chào đón, sợ thì cúp đuôi mà chạy. Suốt đời trung thành với chủ. Loài người tinh ma hơn, thấy bả danh lợi thì tham, đón gió, trở cờ, sớm đầu tối đánh. Loài trí thức vong bản, tựa loài "cỏ đuôi chó", vẫy đuôi loạn xạ chỉ vì chút bổng lộc, hư danh, nịnh bợ cả kẻ thù quên hết sĩ khí, liêm sỉ.
 
Nhất bạch, nhì vàng
Âu châu có cả vài trăm loại chó mà gia phả, giòng giống được trình tòa, ghi sổ bộ cẩn thận. Thôi thì đủ hình dáng, mầu sắc. Lớn như anh Đại Đan Mạch, bụng thon ngực nở, to cao sừng sững, dễ đến cả gần 200 pounds, nhỏ tí hon như chú Chihuahua cỡ vài pounds, hoặc quí phái, vương giả như chàng Afghan hound, lông lá mỡ màng, chải chuốt, kẻ hầu người hạ. Ngoài những loài nuôi làm kiểng thông thường mà ai cũng biết, còn có anh chó đốm Dalmatian, được nuôi tại sở chữa lửa, suốt ngày cà nhỏng, lâu lâu lại được cưỡi xe chữa lửa hú còi đi chơi. Ai hay coi phim hoạt họa Disney, chắc không thể quên phim "100 con chó đốm Dalmatiam". Loài chó Lhasa Apso, nuôi trong điện Lhasa bên Tây Tạng mà nhiệm vụ chính chỉ là báo động khi có kẻ lạ xâm nhập cung điện của Đức Phật sống Đạt Lai Lạt Ma.
Tên tuổi cũng cầu kỳ khó nhớ, không như những anh chó Việt với cái tên nôm na mộc mạc như Mực, Cún, Vàng. Vện v.v. . . Nhưng với bợm nhậu Việt Nam ưa "đả cẩu" thì chó ta giản dị hơn, chỉ có 3 đến 4 loại. Đó là "trời mưa chó trắng, trời nắng chó vàng, mưa nắng làng nhàng, chó nào cũng tốt", hay là "nhất  bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm".
 
Nắng tháng ba, chó già le lưỡi
Người ta khi hoạt động quá sức, mệt thì mồ hôi toát ra như tắm, hơi thở hổn hển. Trời nắng chó cũng thở hồng hộc. Sở dĩ vậy vì chó không có lỗ chân lông để toát mồ hôi như người. Chó há mõm, lè lưỡi, thở gấp rút từng cơn. Lưỡi chó ướt, chính là nơi để nước bốc hơi, làm nhiệt  độ cơ thể hạ thấp. Sở dĩ chó không có lỗ chân lông vì nó có bộ lông dầy cốt chống lạnh khi sống ngoài thiên nhiên. Dù được người nuôi nấng trong nhà ấm áp hơn, cũng như có nhiều loại chó lông ngắn, nhưng cơ thể nó vẫn chưa biến thái để thích ứng với nhiệt độ của mùa hè.
 
Chó hết xăng
Thay lời kết, xin cống hiến hai nụ cười Xuân.
Cu Tý mới 5 tuổi. Một hôm có ông bạn của bố cu Tý đến chơi. Ông nhà văn này tính lơ đãng, hết xăng mà quên đổ. Khi về, xe không nổ máy, cả nhà cu Tý phải xúm lại đẩy hộ tới cây xăng cuối đường. Hôm sau, cu Tý đứng chơi trước cửa, thấy con chó cái nhà cu Tý đến tuổi thanh xuân, bị các cậu chó nhà hàng xóm ôm lưng đòi làm chuyện ái tình. Cu Tý chạy vội vào mách bố mẹ "Bố ơi, hôm nay con Cún nhà mình hết xăng, đang được con chó nhà bác Ba đẩy dùm".
Một thanh niên bị tai nạn xe hơi, chân dập nát. Bác sĩ giải phẩu cố dùng mọi cách ghép nối để chân anh ta có thể xử dụng được. Tuy nhiên một  số bắp thịt nát bấy, không cách nào cứu vãn. Đang tuyệt vọng, thì có người bạn bác sĩ thú y, đề nghị tại bệnh viện của ông ta có con chó lớn vừa chết, có thể dùng thay thế được không. Ông bác sĩ, tuy chưa thử bao giờ, nhưng có còn hơn không, cố gắng lựa một số bắp thịt tương tự của chó ráp nối cho chàng trai. Cuộc giải phẫu thành công mỹ mãn.
Ít lâu sau, anh thanh niên quay lại tái khám. Khi được hỏi về sự tiến triển, anh cho biết "Cám ơn bác sĩ. Chân hoạt động bình thường, đi đứng thoải mái, chỉ có điều bất tiện là mỗi khi đi tiểu, cứ phải ghếch chân trái lên". 
 
"Hát" về chó
1- Chó ngồi bàn độc. 2- Chơi với chó liếm mặt. 3- Chó gầy hổ mặt người nuôi. 4- Chó tháng ba, gà tháng tám. 5- Mồm chó, vó ngựa. 6- Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang. 7- Cãi nhau như chó với mèo. 8- Mèo không chê chủ khó, chó không chê chủ nghèo. 9- Không có chó bắt mèo ăn cứt. 10- Bao giờ chó chê c. . . thì người chê của. 11- Chó treo, mèo đậy. 12- Treo đầu dê, bán thịt chó. 13- Chó đâu có sủa chỗ không, gái đâu tốt nết mà chồng lại ghen. 14- Chó ngáp phải ruồi. 15- Bán gà kiêng ngày gió, bán chó kiêng ngày mưa. 16- Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng...
 
 

 

Tác giả bài viết: Trần Quán Niệm

 

Liên kết website


THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nayHôm nay : 3268

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 52814

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2420276

//